Do ảnh hưởng của vùng áp thấp trên khu vực Đông Bắc Bộ, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có mưa rất to với lượng mưa từ ngày 25.7.2015 đến 07 giờ ngày 30.7.2015 trên địa bàn TP. Hạ Long, Cẩm Phả, Vân đồn và Cô Tô từ 662 mm đến 1.172 mm. Đây là lượng mưa lớn nhất trong 40 năm nay đổ xuống Quảng Ninh.
Trận mưa lũ đã khiến một số khu vực Kho K130 (trạm bơm mồi, khu xử lý, trạm bơm cứu hỏa…) và một số Cửa hàng Xăng dầu (CHXD) thuộc Xí nghiệp Xăng dầu Quảng Ninh trên địa bàn TP. Hạ Long, Cẩm Phả bị ngập lụt nghiêm trọng; cụ thể: CHXD số 2 (Cẩm Phả) ngập sâu 1,3 m trong nước; các CHXD số 1 (Cái Lân), số 4 (Cửa Ông), 50 (Hà Trung) và 108 (Hồng Hà) ngập khoảng 0,5 m; hệ thống bể chứa xăng dầu và một phần cột bơm xăng dầu, phòng bán hàng tại các CHXD này ngập chìm trong nước.
Các CHXD bị ngập trong trận mưa lũ lịch sử
Với sự tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng, phương tiện phòng chống và tích cực chủ động khắc phục sự cố ngập lụt xảy ra. Các đơn vị thuộc Công ty Xăng dầu B12 (Petrolimex Quảng Ninh) đã đảm bảo an toàn về người, kho bể, trạm bơm, bến xuất và cửa hàng. Tình hình an ninh trật tự, PCCC và vệ sinh môi trường vẫn được đảm bảo. Công tác tiếp nhận tàu, bơm chuyển cung ứng đảm bảo nguồn cho các đơn vị tuyến sau vẫn được thực hiện theo kế hoạch. Xí nghiệp Xăng dầu Quảng Ninh đã tập trung lực lượng và phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả sự cố, sớm đưa Cửa hàng số 1 (Cái Lân - Bãi Cháy – Hạ Long) và số 2 (Cẩm Thạch – Cẩm Phả) vào hoạt động.
CBCNV tập trung dọn vệ sinh cửa hàng sau trận mưa lớn
Ngày 29/7 cửa hàng xăng dầu số 1 (Cái Lân - Bãi Cháy - Hạ Long) đã khắc phục xong và trở lại bán hàng bình thường. Đến 7 giờ ngày 30/7 cửa hàng số 2 (Cẩm Thạch – Cẩm Phả) đã hoàn toàn khắc phục mọi sự cố ngập lụt và triển khai bán hàng phục vụ nhu cầu trên địa bàn.
CHXD số 2 - Cẩm Thạch triển khai bán hàng lúc 7 giờ ngày 30.7.2015
Trận mưa lũ xảy ra hết sức bất ngờ, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Từ thực tế này, lãnh đạo Petrolimex Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo nghiêm túc thực hiện, không được chủ quan:
Một là: Chủ động xây dựng, thực tập thành thục phương án PCLB, PCCC, ANTT, Ứng phó SCTD tại các vị trí sản xuất kinh doanh.
Hai là: Chấp hành nghiêm chỉnh các Văn bản chỉ đạo của cấp trên về PCLB, PCCC, ANTT, Ứng phó SCTD; thường xuyên theo dõi và đánh giá tình diễn biến…, chủ động thực hiện phương án xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ.
Ba là: Luôn đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện trực tiếp và giữa đơn vị với Ban chỉ huy của địa phương.
Bốn là: Tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chỉ huy lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả nhanh nhất, để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.