Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (gọi tắt là CSR) là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững thông qua việc cân bằng ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã chứng khoán PLX) là một trong những đơn vị có nhận định và hành động từ rất sớm về trách nhiệm xã hội.
Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc trao đổi với ông Vương Thái Dũng - Phó TGĐ Petrolimex về vấn đề này.
PV: Thưa ông, khái niệm về trách nhiệm xã hội hiện nay không còn mới mẻ không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn với công chúng. Đây có phải là một tín hiệu mừng không thưa ông?
Ông Vương Thái Dũng: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hiểu là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển bền vững thông qua việc cân bằng ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.
Trước đây khái niệm CSR còn khá mới mẻ và ít được các doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây con số các doanh nghiệp quan tâm đến CSR này đã tăng lên trên 10.000 tập đoàn, doanh nghiệp và tổ chức ở trên 150 quốc gia.
Như vậy rõ ràng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang trở thành một vấn đề nhận đươc sự quan tâm của hầu hết các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Trách nhiệm xã hội là sứ mệnh
PV:Tôi xin bắt đầu từ yếu tố đầu tiên. Đối với Petrolimex, việc thực hiện trách nhiệm xã hội về mặt kinh tế được tiến hành như thế nào thưa ông?
Ông Vương Thái Dũng: Đối với Petrolimex, tôi cũng như lãnh đạo Tập đoàn và đội ngũ người lao động đều cho rằng: Trách nhiệm xã hội là sứ mệnh.
Trước hết, trách nhiệm doanh nghiệp đó là việc phục vụ nhân dân và phục vụ kinh tế đất nước. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất.
Kể từ ngày đầu thành lập, được Nhà nước giao cung ứng các sản phẩm xăng dầu và sản phẩm hóa dầu phục vụ sự nghiệp kinh tế xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng và đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân thì Tập đoàn bao giờ cũng hoàn thành trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù khó khăn đến đâu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của đất nước.
Petrolimex luôn đảm bảo cung ứng xăng dầu bình ổn thị trường không để xảy ra thiếu nguồn cung và tất cả sản phẩm đều là sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Đặc biệt, luôn đảm bảo giá bán theo đúng Nhà nước quy định.
Tôi cho rằng đây là trách nhiệm xã hội lớn nhất.
PV:Petrolimex còn đặc biệt coi trọng công tác an sinh xã hội, đây cũng chính là yếu tố thứ hai trong thực hiện CSR, ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Ông Vương Thái Dũng:Đối với Petrolimex công tác xã hội từ thiện, kể từ nhiều năm nay Tập đoàn thực hiện với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Khoảng 7-8 năm trở lại đây, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ nhận hỗ trợ huyện Đồng Văn - Hà Giang giảm nghèo nhanh và bền vững, Tập đoàn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xóa nhà tạm, đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện, đầu tư máy móc hiện đại cho huyện Đồng Văn từ tuyến cấp dưới nhằm phục công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc, hỗ trợ rất nhiều trường học khác, các đồ dùng học tập thiết bị sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu cho các thầy cô.
Không chỉ riêng Đồng Văn mà còn nhiều huyện khác của Hà Giang, của các vùng miền khác trong toàn quốc.
Ngoài ra, công tác xã hội từ thiện đều được các công ty xăng dầu thuộc Tập đoàn thực hiện một cách rất có trách nhiệm tại các địa phương.
Hay khi có những thiện hại do thiên tai gây ra bão, lũ lụt, các đoàn từ thiện của Tập đoàn đều lên đường kêu gọi quyên góp, đóng góp ủng hộ để chia sẻ khó khăn mà người dân ở địa phương bị ảnh hưởng.
Petrolimex có một phần hỗ trợ đặc biệt không giống ai. Đó là đối với các vùng sâu vùng xa, hàng chục năm nay, toàn bộ cước vận chuyển xăng dầu lên vùng sâu vùng xa Tập đoàn bù giá, mức giá các tỉnh miền núi bằng giá xăng dầu ở các tỉnh đồng bằng. Mỗi 1 năm ước tính khoảng 30 - 40 tỷ đồng.
Petrolimex đã vượt qua giai đoạn bắt buộc
PV:Yếu tố cuối cùng là bảo vệ môi trường - một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới toàn xã hội. Những năm qua, Petrolimex đã bảo vệ môi trường như thế nào và bằng cách nào thưa ông?
Ông Vương Thái Dũng: Bởi vì môi trường ảnh hưởng đến toàn xã hội, nếu chúng ta biết bảo vệ môi trường thì chúng ta sẽ có 1 xã hội bền vững tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Nhiều năm qua, Petrolimex đã tập chung về nhân lực, vật lực, kinh phí rất nhiều cho công tác môi trường.
Tôi chỉ đơn cử như thế này: Petrolimex là đơn vị kinh doanh xăng dầu duy nhất áp dụng công nghệ nhập kín và thu hồi hơi xăng dầu tại toàn bộ hơn 3.000 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường và kiểm soát nguy cơ cháy nổ đối với các cửa hàng xăng dầu.
Đây là việc làm tự nguyện của Petrolimex và đến nay vẫn là đơn vị tiên phong trong việc làm này tại Việt Nam. Tiếp theo là hệ thống thu hồi hơi xăng dầu (VRU) hoàn thành đưa vào sử dụng tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang - Hà Nội năm 2015. Tiếp đến là Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè đang chuẩn bị triển khai lắp đặt hệ thống VRU.
Hệ thống thu hồi hơi xăng tại Công ty Xăng dầu Khu vực I
Có được môi trường xanh, sạch như hiện nay là cả chiến thuật “mưa dầm thấm lâu” của cả Petrolimex về thay đổi nhận thức cho tất cả đội ngũ người lao động Petrolimex trong công tác BVMT.
Tôi cho rằng, công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cháy nổ phải ngấm vào máu cán bộ công nhân thì mới thực hiện tốt được.
PV: Gần đây, người ta nói đến trách nhiệm xã hội tự nguyện. Ở Petrolimex đã được tiệm cận với khái niệm này chưa thưa ông?
Ông Vương Thái Dũng:Trách nhiệm của doanh nghiệp hay cá nhân phải là bắt buộc trước đã rồi mới đến tự nguyện.
Đối với Petrolimex những hành động, những việc làm trong thời gian qua đồng nghĩa với việc Petrolimex vượt qua giai đoạn bắt buộc tuân thủ quy định phát luật.
Tuy nhiên, muốn vượt qua mức “bắt buộc” thì hầu hết các doanh nghiệp cần kinh phí đầu tư nhiều hơn và đương nhiên là phải kinh doanh hiệu quả mới có kinh phí thực hiện công tác xã hội tự nguyện và các chương trình đã đặt ra.
PV: Ông có cho rằng, thực hiện trách nhiệm xã hội đồng nghĩa với việc bảo vệ thương hiệu thưa ông?
Ông Vương Thái Dũng: Đúng vậy. Trách nhiệm xã hội góp phần đưa thương hiệu phát triển bền vững.
Thực tế, trong xã hội hiện đại, người tiêu dùng ngày càng có ý thức rõ hơn về việc các sản phẩm họ mua được sản xuất trong điều kiện môi trường và lao động như thế nào.
Do đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng không thể đánh đổi gia tăng thương mại bất chấp những hậu quả về tác động môi trường hoặc vi phạm quyền lợi của người lao động.
Doanh nghiệp nào ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, biết hiện thực hoá nó một cách hiệu quả và thiết thực thì doanh nghiệp đó sẽ nhận được thêm nhiều giá trị trong tài sản thương hiệu.
Đối với Petrolimex, trách nhiệm xã hội đó chính là trách nhiệm với khách hàng, với người dân và hơn cả đó là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động mà cụ thể là công tác bảo vệ môi trường và các hoạt động xã hội từ thiện.
Đó cũng chính là văn hóa doanh nghiệp là thương hiệu của doanh nghiệp và chính là sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!