Sức vươn của tinh thần Việt

 09:27 SA @ Thứ Sáu - 07 Tháng Tư, 2017

Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) là một biểu tượng thành công của doanh nghiệp Việt, được cả nước quan tâm. Tiếp tục “giải mã hiện tượng PLC”, Tạp chí Công Thương (TCCT) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài phỏng vấn Tiến sĩ Bùi Ngọc Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/Tập đoàn). Ông cũng nguyên là Trưởng phòng Kinh doanh Dầu mỡ nhờn đầu tiên của Petrolimex, là Tổng giám đốc đầu tiên của PLC.

Ông Bùi Ngọc Bảo

Tầm nhìn đúng đắn, vượt thời gian

PV: Thưa ông, ông là Trưởng phòng kinh doanh Dầu mỡ nhờn đầu tiên của Petrolimex (năm 1992), là Tổng giám đốc đầu tiên của PLC (năm 1994) - xin Ông vui lòng đại diện các thế hệ lãnh đạo Petrolimex & PLC các thời kỳ chia sẻ đôi điều tâm đắc nhất nhân kỷ niệm 20 năm PLC?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Tiền thân của PLC là dầu nhờn. Hồi đó, dầu nhờn được coi là “sản phẩm phụ” (PV: Phụ của xăng dầu chính). “Phụ” nhưng lại rất thiết yếu, lại hết sức quan trọng!.

Dầu nhờn luôn song hành với xăng dầu.

Từ năm 1990 trở về trước, kinh doanh dầu nhờn chủ yếu là hoạt động phân phối sản phẩm của nước ngoài: của Liên Xô (cũ) và của các hãng khác.

Ngay từ lúc đó, với nhận định dầu nhờn sẽ là lĩnh vực cạnh tranh và nhà nước sẽ sớm mở cửa đối với lĩnh vực này, Lãnh đạo Petrolimex xác định: Phải có dầu nhờn thương hiệu Việt.

Để cạnh tranh thành công - phải có thương hiệu, có công nghệ, có cơ sở vật chất kỹ thuật, có thực lực, có sản phẩm.

Để đạt được những mục tiêu này một cách nhanh chóng thì giải pháp hữu hiệu nhất là thông qua việc chuyển giao công nghệ với các hãng dầu nước ngoài, đồng thời phải thiết lập tổ chức chuyên doanh độc lập.

Với nhận thức trên, Lãnh đạo Petrolimex đã đi đến một quyết định quan trọng là ký hợp đồng với hãng ELF của Pháp để trở thành hội viên đầy đủ của Hiệp hội Dầu nhờn Hàng hải và thành lập với hãng BP để sản xuất và tiếp thị các loại dầu nhờn BP trên thị trường bộ, xác lập liên doanh với Hãng BP (PV: Đến nay liên doanh này của Petrolimex vẫn đang tiếp tục hoạt động có hiệu quả).

Đến năm 1994 - tất cả công tác chuẩn bị đã chín muồi, Petrolimex thành lập Công ty Dầu mỡ nhờn (PLC), gồm Văn phòng Công ty và các xí nghiệp dầu nhờn tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh - chuyển giao từ các công ty xăng dầu Petrolimex sang PLC.

PLC không chỉ kinh doanh dầu nhờn, mà còn kinh doanh cả những sản phẩm hóa dầu khác có thế mạnh là: Nhựa đường và Hóa chất.

Đến nay, PLC kinh doanh trên cả 3 lĩnh vực. Đây là 3 ngành hàng riêng biệt và đều thuộc “Top đầu” tại Việt Nam.

PLC có sản phẩm riêng, là thương hiệu thành công xét về mọi phương diện, đang trên đà tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.

Tôi có niềm tin chắc chắn vào tiến trình phát triển này của PLC.

Thành công này kết tinh từ tâm huyết của cán bộ lãnh đạo Petrolimex, PLC cùng sự nỗ lực hết mình vì doanh nghiệp của đội ngũ kỹ sư, chuyên gia cùng đông đảo cán bộ công nhân viên - người lao động (CBCNV-NLĐ) nhiều thế hệ.

Ở người lãnh đạo thì đó là tầm nhìn, tính quyết đoán: Phải đúng hướng, phải “đi trước đón đầu”. Ở CBCNV-NLĐ thì đó là sự đồng lòng, nỗ lực với công việc và tận tâm với doanh nghiêp.

Một câu chuyện quan trọng

PV: Thưa ông, không phải chỉ riêng tôi mà cả Ban tổng biên tập cùng CBCNV-NLĐ TCCT rất khâm phục sự phát triển của PLC. Tôi muốn xin Ông vui lòng kể về một vài kỷ niệm quan trọng đối với tiến trình phát triển của PLC?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Tôi xin kể 2 chuyện.

Chuyện thứ nhất: Cho đến nay, nhiều người vẫn cứ thắc mắc: “Tại sao các ông là nội địa, là doanh nghiệp Việt mà tên các sản phẩm PLC của các ông cứ lấy tên nước ngoài: Racer, Carter, Gear Oil,… Sao không lấy tên Việt, sao không “nội địa hóa” cái tên?”.

Câu trả lời cho chuyện này rất đơn giản: Định hướng của PLC là quốc tế hóa sản phẩm. Đó là chiến lược phát triển, đó là mục đích cạnh tranh với các hãng lớn trên thế giới. Vậy nên tên gọi của từng sản phẩm cũng phải được quốc tế hóa. Việc đặt tên cho mỗi sản phẩm cũng phải được lựa chọn một cách cẩn trọng để cá biệt hóa trên bình diện và chuẩn mực của sản phẩm phẩm là quốc tế hóa.

Đây không phải là việc “sính ngoại” như một số người nghĩ. Nếu hiểu là “sính ngoại” thì không đúng.

Thực tế thì sản phẩm của PLC bên cạnh việc cung cấp tại thị trường nội địa, đã và đang được xuất khẩu đi nhiều nước & vùng lãnh thổ.

PLC đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm rất cao cấp, được quốc tế thừa nhận, cấp chứng chỉ; được dùng cho các máy móc thiết bị hiện đại “siêu trường siêu trọng”.

Đấy là sự phát triển rất đáng ghi nhận của một công ty nội địa. Đấy là một trong những thành công rất lớn của PLC qua 20 năm xây dựng và phát triển.

Chuyện thứ hai: Trở lại giai đoạn khởi đầu để thấy con đường “chông gai” mà chúng tôi đã vượt qua.

Khi bàn về sản phẩm, nhiều người không tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được dầu nhờn thương hiệu Việt.

Khi đã quyết định làm rồi thì vẫn còn nhiều luồng ý kiến cho rằng chúng ta sẽ không thành công, “không thể có dầu nhờn thương hiệu Việt đứng bên cạnh các tên tuổi lớn trên thế giới như BP, Castrol, Shell, … bởi lĩnh vực dầu nhờn là lĩnh vực có công nghệ rất cao, nó hàm chứa những công thức có tổ hợp phụ gia để đáp ứng với sự phát triển ngày càng cao, càng hiện đại của máy móc, trang thiết bị”.

Những băn khoăn ấy, tại thời điểm lúc bấy giờ - không phải là không có cơ sở, bởi hệ thống cơ sở vật chất của chúng ta rất đơn sơ, có thể nói là cũ kỹ và lạc hậu. Mà, yêu cầu thì quá cao, tưởng chừng như không thể.

Đấy là giai đoạn khó khăn, gian truân nhất trong tiến trình phát triển của PLC; nhưng, đó cũng là thời điểm quan trọng nhất cho sự ra đời của các quyết định, thể hiện sự quyết tâm - đầu tư các nguồn lực để PLC cho ra đời các sản phẩm rất đáng tự hào thương hiệu Việt của chúng ta hiện nay.

Các con số nói lên sự thành công này của dầu nhờn Petrolimex, anh Nguyễn Văn Đức - Tổng giám đốc PLC đã có dịp trao đổi rất kỹ với Chị rồi.

Lãnh đạo PLC kiểm tra thi công Nhà máy dầu nhờn Nhà Bè

Hai ngành hàng riêng biệt - đều “Top đầu”

PV:Vâng, thưa Ông. Ông vừa nói, PLC hiện nay gồm 3 ngành hàng riêng biệt (dầu nhờn, nhựa đường và hóa chất) và đều ở “Top đầu” tại Việt Nam. Xin Ông vui lòng cho biết thêm về 2 lĩnh vực còn lại là nhựa đường và hóa chất của PLC?

Ông Bùi Ngọc Bảo: PLC là một trong những doanh nghiệp Việt đầu tiên mở ra kinh doanh mặt hàng nhựa đường.

Cái này cũng được định hướng ngay từ đầu khi thành lập PLC. Chính vì thế mà tên gọi đầy đủ của PLC là Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex. Từ “hóa dầu” này nó được định hướng đến một lĩnh vực rộng lớn gắn liền với tương lai của hoạt động “lọc dầu”.

Nhựa đường nói ở đây là nhựa đường lỏng.

Có thể nói, PLC đã tham gia vào hầu hết các công trình xây dựng hạ tầng về giao thông tại Việt Nam, chiếm tỷ trọng rất lớn. Nhựa đường có những công nghệ của riêng mình, không chỉ thuần túy là nhựa đường nhũ tương, mà còn có nhựa đường polimer, có nhựa đường emulsion và các chủng loại khác phục vụ cho các công việc thi công các công trình khác, ở một đẳng cấp khác.

Nhựa đường, chúng ta đều biết, đây là lĩnh vực rất mở, rất cạnh tranh với thị trường có nhiều hãng nước ngoài tên tuổi, có kinh nghiệm lâu đời trong lĩnh vực này và có tiềm lực kinh tế rất lớn.

Ấy vậy mà PLC đã tạo được ra công nghệ riêng, sản phẩm riêng, chiếm thị phần lớn; được các chủ đầu tư tin dùng, lựa chọn làm nhà cung cấp chủ yếu nhựa đường cho các công trình quan trọng.

Đấy là dấu ấn rất lớn, ghi nhận rất quan trọng đối với thành công của PLC.

Về hóa chất, hiện tại, PLC kinh doanh các mặt hàng chủ lực là: dung môi, xăng pha sơn, xăng pha cao su, … - đây là những cái mang tính truyền thống của Petrolimex. PLC kinh doanh thì tính tập trung chuyên ngành sâu hơn. Thị trường dung môi tính mở cao, cạnh tranh rất cao, rất gay gắt; nhưng thị phần của PLC cũng là lớn nhất. Bên cạnh đó, PLC còn có các hóa chất phục vụ công nghiệp in ấn, sản xuất mút, … Lĩnh vực này có nhiều mặt hàng và đều là sản phẩm của công nghệ lọc hóa dầu mà PLC đang tích cực tiếp thị, xây dựng mạng lưới phân phối và khách hàng tiềm năng đón đầu cho việc tiêu thụ sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Vân Phong của Tập đoàn sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Sức vươn PLC

PV:Thưa Ông, tôi thực sự vui mừng về sự trưởng thành của PLC và những việc mà PLC, Petrolimex đã làm được. Petrolimex là một tập đoàn kinh tế mạnh và đa ngành với định hướng đúng đắn, vượt thời gian. Xin Ông vui lòng đánh giá vai trò vị trí của PLC trong Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hiện nay và ý kiến của Ông nhân 20 năm thành lập PLC?

Ông Bùi Ngọc Bảo:Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kinh doanh trong một số lĩnh vực trọng yếu: Xăng dầu, dầu mỡ nhờn, gas, vận tải xăng dầu, thiết kế xây lắp và các định chế tài chính.

Mỗi Tổng công ty, công ty chuyên ngành - thành viên Petrolimex đảm nhận một lĩnh vực chuyên sâu, một ngành hàng cụ thể nhưng đều phát triển theo hướng để đứng đầu trong lĩnh vực mà nó đảm nhiệm, với tầm nhìn và định hướng dài hạn, xã hội hóa ngày càng cao, phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, vươn ra ngoài.

Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) là một trong những đơn vị tiên phong, thành công theo định hướng đó và đang tiếp tục có sức vươn lên mạnh mẽ.

Kết quả, đóng góp của PLC vào sự phát triển của Petrolimex là rất lớn. Nỗ lực của PLC với những thành quả cụ thể đã được ghi nhận, thừa nhận từ phía nhà đầu tư, tại thị trường chứng khoán, từ phía khách hàng, đối tác, bạn hàng, công chúng, đông đảo người tiêu dùng (cá nhân và doanh nghiệp) tại Việt Nam và một số nước, vùng lãnh thổ.

Cái thành công, có ý nghĩa nhất, giá trị bền vững nhất ở PLC; tôi cho rằng, đó là: Tin thần tiến lên, nói đi đôi với làm, ước mơ gắn liền với hành động.

Cái đó kết tinh từ quá khứ mà chúng ta trân trọng và tôi tin rằng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, mỗi kỹ sư, chuyên gia, CBCNV-NLĐ hiện nay của PLC đang tiếp tục phát huy để hiện thực hóa ước mơ là trở thành doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về dầu mỡ nhờn, hội nhập và cạnh tranh thành công trong khu vực, trên thế giới; ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của Petrolimex, của đất nước.

Tới ngày hôm nay, trong số các Tổng công ty, công ty chuyên ngành Petrolimex, PLC vẫn là một trong những doanh nghiệp có tính quản trị tốt nhất của Petrolimex.

PLC là doanh nghiệp đầu tiên trong hệ thống Petrolimex có hệ thống quản lý ISO 9000 và cũng là đơn vị áp dụng thành công “Chương trình quản trị nguồn lực doanh nghiệp” (ERP) sớm nhất không chỉ ở trong Tập đoàn (Petrolimex) mà gần như là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam.

Có thể nói, 20 năm hình thành và phát triển, PLC đã trở thành một Tổng công ty chuyên ngành của Petrolimex hết sức vững vàng ở tất cả các lĩnh vực dầu nhờn, nhựa đường và hóa chất với một tổ chức hoạt động hết sức minh bạch. PLC đã trở thành công ty đại chúng, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HNX.

Sự thành công của PLC ngày hôm nay không thể tách rời sự hợp sức nhiệt tình của tất cả các công ty xăng dầu trong Tập đoàn - tạo ra một hệ thống phân phối quan trọng nhất, giúp cho thương hiệu và sản phẩm của PLC lan tỏa trên 63 tỉnh thành trên cả nước.

Nhân dịp PLC kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến các cổ đông, đối tác, khách hàng, bạn hàng, người tiêu dùng của PLC, của Petrolimex tại Việt Nam và ở nước ngoài.

Chúng ta cùng nhau nỗ lực để tiến xa hơn.

PV:Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.

Nguồn:  Thúy Hà (thực hiện)
Tạp chí Công Thương