Ra đời ngày 13.4.1956 với tên gọi ban đầu là Công ty Xăng dầu mỡ Nam Định - Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh (Petrolimex Nam Định) ngày nay đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong gần 60 năm qua, trở thành niềm tự hào của CBCNV-NLĐ các thế hệ.
Sứ mệnh
Petrolimex Nam Định được thành lập ngay từ những ngày đầu hòa bình lập lại sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Lúc bấy giờ, Tổng công ty Bách hóa thuộc Bộ Thương nghiệp quyết định thành lập 5 tổng kho xăng dầu: Đức Giang, Việt Trì, Bắc Giang, Vinh và Nam Định để bảo đảm xăng dầu cho công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc và chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc; cung cấp sang nước bạn Lào.
Petrolimex Nam Định có trách nhiệm bảo đảm nguồn xăng dầu cho 5 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa.
Ban đầu gồm 64 CBCNV-NLĐ và hệ thống cơ sở vật chất gồm: 7 bể trụ đứng với dung tích thiết kế 13.000 m3 và dây chuyền đóng xăng dầu vào phuy 200 lít.
Từ tập trung sang phân tán
Năm 1965 giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá Miền Bắc. Chúng tập trung đánh các kho xăng dầu. Nhiệm vụ của CBCNV-NLĐ Petrolimex Nam Định lúc bấy giờ là phải bảo đảm an toàn xăng dầu. Xăng dầu được rút từ các bể lớn chuyển đi sơ tán vào các bể 25 m3 & 10 m3, cất dấu tại ven đường Quốc lộ 1A, 10A, 10B, 21, 21A, 12A, 12B, 55, 23 và ven Sông Hồng, Sông Đáy, Sông Ninh Cơ, Sông Hoàng Long, … có 3.000 bể như vậy với tổng sức chứa được hơn 70.000 m3.
Vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Petrolimex Nam Định đã thành lập Trung đội tự vệ gồm 2 tiểu đội (sau này được nâng cấp lên thành Đại đội tự vệ); được trang bị súng 12 ly 7 và tiểu liên để bắn máy bay Mỹ.
Tháng 5 & 6/1965 Mỹ đánh phá ác liệt nhất tại Nam Định. Ngày 02.7.1965 chúng tập trung đánh phá Tổng kho Xăng dầu Nam Định (lúc khoảng 12h trưa), 3 bể bị trúng bom tuy đã sơ tán xăng dầu nhưng vẫn bị cháy do còn dầu cặn ở đáy bể.
Gương chiến đấu anh dũng của Petrolimex giờ vẫn còn lưu truyền là: Nguyễn Thế Chấn (Chủ nhiệm), Bùi Văn Tâm, Trịnh Ngọc Trân (Phó chủ nhiệm), Trần Đăng Tuyển, Nguyễn Ngọc Sơn và Đoàn Văn Tề.
Đoàn viên Đào Văn Tề sau này vận chuyển xăng dầu ra chiến trường được kết nạp Đảng tại mặt trận và được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.
Ngày 28.5.1967 máy bay Mỹ đánh phá Kho Xăng dầu Nam Định lần 2, Tổ trưởng Đảng Nguyễn Văn Việt đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
87 lần bắn trả máy bay Mỹ, Đại đội tự vệ Petrolimex đã cùng với lực lượng phòng không của quân và dân Nam Định bắn rơi 1 máy bay Mỹ ngày 11.6.1972.
2 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ vận chuyển xăng ra chiến trường là: Lê Ngọc Nghiêm và Trần Thanh Long.
Từ 1965-1975 Petrolimex Nam Định đã tiếp nhận, bảo quản, xuất cấp an toàn 40 vạn tấn xăng dầu các loại.
Từ phân tán sang tập trung
Hòa bình lập lại (sau 30.4.1975), Petrolimex Nam Định lại bắt tay ngay vào khôi phục cơ sở vật chất, thu gom các bể chứa cùng xăng dầu sơ tán về để quản lý tập trung; tái thiết hệ thống kho bể bị tàn phá để bảo quản, cấp phát xăng dầu được đầy đủ, an toàn; thực hiện bảo quản hàng dự trữ quốc gia.
Năm 1977 Petrolimex Nam Định được tiếp nhận sử dụng Kho Xăng dầu K135 (Kho hang hầm) tại tỉnh Hà Nam để tiếp nhận xăng dầu bằng đường ống bơm từ Quảng Ninh về qua 6 tỉnh/TP thay cho việc nhận xăng dầu bằng đường sắt trước đây.
Đây là dấu mốc quan trọng trong công tác bảo đảm nguồn xăng dầu an toàn & hiệu quả.
Với sự định hướng đúng đắn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (lúc bấy giờ còn gọi là Tổng công ty), được sự quan tâm sát sao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương; Petrolimex tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Từ 2 CHXD đơn sơ năm 1988 đến nay đã có 80 cửa hàng khang trang hiện đại
Sự phát triển của Petrolimex Nam Định mạnh mẽ nhất từ khi có Nghị quyết Trung ương VI của Đảng (năm 1986).
Năm 1988 Petrolimex Nam Định mới chỉ có 2 CHXD tại Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) và Ninh Phúc (tỉnh Ninh Bình).
Năm 2015 đã có 80 cửa hàng (76 CHXD, 3 cửa hàng chuyên doanh và 1 cửa hàng kinh doanh tổng hợp) khang trang hiện đại phân bổ đều rộng trên địa bàn 3 tỉnh/TP; bảo đảm xăng dầu và các hàng/hóa dịch vụ khác của Petrolimex cung cấp thuận tiện đến người dân 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình; phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2014 sản lượng bán trực tiếp (không tính điều động nội bộ Petrolimex) của Công ty đạt 177.200 m3 xăng dầu, 748 m3 dầu nhờn Petrolimex, 104 tấn gas Petrolimex, 1,2 tỷ bảo hiểm Pjico, 2,2 tỷ sơn Petrolimex; nộp ngân sách 149 tỷ Đồng;
Công tác quản trị doanh nghiệp đã ứng dụng vận hành ERP, Egas và tự động hóa khâu xuất hàng tại kho.
Không chỉ SX-KD, Petrolimex Nam Định đã chú trọng công tác xã hội. Từ 2006-2014 CBCNV-NLĐ Công ty đã đóng góp từ tiền lương hơn 1 tỷ đồng để phụng dưỡng 15 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trợ cấp 8 cháu nạn nhân chất độc màu da cam, trao tặng 1.600 áo ấm đến các em học sinh vùng cao Hà Giang, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, …
Tự hào và kế thừa truyền thống lịch sử 60 năm, CBCNV-NLĐ Petrolimex Nam Định ngày nay đang tập trung xây dựng đơn vị phát triển toàn diện thông qua việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, tập trung vào 10 định hướng cơ bản của Ban lãnh đạo Tập đoàn; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thi đua kinh doanh hiệu quả và các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và tấm lòng hiếu thảo của CBCNV-NLĐ.
Tập thể Ban lãnh đạo Petrolimex Nam Định cùng toàn thể CBCNV-NLĐ, các tổ chức chính trị - xã hội tin tưởng sâu sắc rằng sẽ tiếp tục nỗ lực vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tập đoàn, các tỉnh nhà Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.
CHXD Petrolimex Nam Định ngày nay
Các thành tích Petrolimex Nam Định đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận: Huân chương Lao động (Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Độc lập (hạng Nhì, hạng Ba), Huân chương Chiến công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (thời kỳ chống Mỹ cứu nước). |